Công nhân may tại gia cần biết luật để tránh bị bóc lột

Công nhân may tại gia cần biết luật để tránh bị bóc lột

Từ bỏ công việc lương cao, anh Peter và chị Thủy chấp nhận sống vất vả để cải tạo khu đất hoang thành nơi ở đẹp như mơ.

Fair Work Ombudsman của Úc vừa phát động một chiến dịch giáo dục và tuân thủ trong vòng 2 năm tập trung vào những công nhân may tại gia (outworker) có nguồn gốc Việt Nam hoặc Trung Quốc, những người có nguy cơ cao bị bóc lột lao động.

Fair Work Ombudsman đã gửi thư tới khoảng 1.000 người làm công việc bán lẻ, bán buôn, phân phối và các nhà thầu (contractors) trong ngành may mặc nhằm nâng cao nhận thức về bổn phận của họ với công nhân may tại gia (outworker) theo các luật tại nơi làm việc.

Theo chiến dịch này, Fair Work Ombudsman sẽ cung cấp các thông tin đơn giản, rõ ràng tới các chủ nhân và người lao động làm trong ngành Dệt, May và Giày dép, để giúp họ hiểu về quyền lợi và nghĩa vụ tại nơi làm việc của họ.

Những người làm việc trong ngành này đơn thuần là công nhân may tại gia hoặc làm việc tại cơ sở doanh nghiệp của chủ nhân như hãng xưởng hoặc kho hàng.

Công nhân may tại gia là người đo, cắt và may các phần của quần áo tại nhà riêng hoặc nhà để xe của họ. Họ được bảo đảm bởi Quy chế Lao động Dệt, Hàng May mặc, Giày dép và các Ngành Công nghiệp Liên hợp (Textile, Clothing, Footwear and Associated Industries Award) 2010

Theo Fair Work Ombudsman thì số người làm trong ngành này phần lớn có nguồn gốc Việt Nam hoặc Trung Quốc.

Nhiều người trong số họ là phụ nữ và nghiên cứu cũng chỉ ra rằng hầu hết họ không có nhận thức về các quyền lợi cơ bản tại nơi làm việc.

Theo Natalie James của Fair Work Ombudsman thì thường có sự nhầm lẫn về bổn phận của chủ nhân, đặc biệt khi làm việc với công nhân may tại gia.

“Những người làm trong ngành này thường là đối tượng tổn thương của bóc lột do rào cản ngôn ngữ và thiếu kiến thức về quyền nơi làm việc. Công nhân may tại gia được cho là tổn thương đặc biệt do vị trí của họ trong dây chuyền cung ứng, điều đó dẫn đến việc họ bị trả lương thấp và làm việc trong điều kiện không thể chấp nhận được.”

Một phần chiến dịch mà Fair Work Ombudsman làm là sẽ nói chuyện với những người bán lẻ, người phân phối hàng, người chủ và công nhân may tại gia về rất nhiều vấn đề, bao gồm lương tối thiểu và điều kiện, lưu giữ hồ sơ và phiếu lương (pay slips).

Các doanh nghiệp đã được cung cấp các gói thông tin bao gồm thông tin về lương bổng với ngành của họ, làm việc với công nhân may tại gia, lưu giữ hồ sơ tuyển dụng và phát phiếu lương.

Các thanh tra viên của Fair Work Ombudsman cũng sẽ tới thăm một số doanh nghiệp nhằm tìm hiểu sâu về các vấn đề trong ngành và các rào cản của việc không thực hiện theo quy định.

Thông tin về chiến dịch cũng sẽ cung cấp tới các hội đồng địa phương, các trung tâm thông tin nhập cư, các nhóm hỗ trợ người thiểu số và các tổ chức cộng đồng có liên quan.

Một số nhóm và liên hiệp giới chủ đã đồng ý sẽ hỗ trợ thúc đẩy chiến dịch này.

Fair Work Ombudsman có nhiều thông tin dành cho giới chủ và người lao động để hiểu về quyền lợi và nghĩa vụ của họ trong ngành Dệt, May và Giày dép trên trang web www.fairwork.gov.au/clothing.

Trang web này gồm thông tin về luật tại nơi làm việc đã được dịch ra tiếng Hoa và tiếng Việt.

Một số quyền lợi người lao động trong ngành này cần biết gồm:

  • Người lao động trưởng thành phải được trả không dưới $16.87 một giờ.
  • Nếu làm việc tại nhà, quý vị phải được trả không dưới $18.02 một giờ.
  • Nếu quý vị được trả công theo sản phẩm, quý vị phải được trả ít nhất bằng mức lương giờ.
  • Quý vị phải được nghỉ ăn trưa không lương và nghỉ giữa giờ có lương nếu làm việc tại cơ sở doanh nghiệp của chủ nhân.
  • Quý vị có quyền làm thêm giờ, hưởng các khoản phụ cấp và phụ khoản (penalties) theo Quy chế Dệt, May và Giày dép.

Bất cứ chủ doanh nghiệp hoặc công nhân nào muốn được tư vấn hoặc hỗ trợ hãy liên lạc với Fair Work Ombudsman qua website www.fairwork.gov.au hoặc gọi cho đường dây Thông tin Việc làm Công bằng (Fair Work Infoline)  qua số 13 13 94. Muốn sử dụng dịch vụ thông dịch miễn phí xin gọi theo số 13 14 50.

Fair Work Ombudsman có các tờ thông tin phù hợp với người nhập cư và công nhân người nước ngoài trên website của họ và Cơ quan này cũng cung cấp các video với 14 ngôn ngữ khác nhau và có thể xem qua YouTube.

Theo bà James của Cơ quan này thì vai trò lớn của Fair Work Ombudsman là làm việc với doanh nghiệp để đảm bảo họ có kiến thức cần thiết đảm bảo thực hiện bổn phận của họ.

“Các doanh nghiệp nhỏ thường không có lợi ích của việc có người quản lý nhân sự và nhân viên tính lương tại chỗ làm, nên chúng tôi đặt ưu tiên cao là hỗ trợ họ và phát triển các công cụ và nguồn lực để giúp họ làm theo quy định dễ dàng hơn,” bà James nói.

“Chúng tôi thấy rằng hầu hết các lỗi xảy ra đều do thiếu nhận thức về các luật nơi làm việc, chứ không hẳn do doanh nghiệp cố tình làm sai.

“Khi phát hiện các trường hợp không theo đúng luật, trước hết chúng tôi hỗ trợ họ để họ tình nguyện sửa các lỗi sai và đưa quy trình vào áp dụng để bảo đảm họ không mắc lỗi lần nữa trong tương lai.

“Tuy nhiên, trong các trường hợp vi phạm nghiêm trọng, cố tình và vi phạm nhiều lần các luật nơi làm việc, hoặc nếu chủ doanh nghiệp từ chối hợp tác với thanh tra viên của chúng tôi để sửa các vấn đề chưa đúng luật – thì hậu quả sẽ là nghiêm trọng.”

Cũng theo bà James, mỗi năm, Fair Work Ombudsman đưa khoảng 50 trường hợp ra toà – nhưng con số này còn nhỏ nếu đặt trong bối cảnh có tới 24.000 yêu cầu được hỗ trợ từ phía người lao động, 600.000 cuộc điện thoại và hơn 11 triệu lượt ghé thăm website.

VIET MAGAZINE/Fair Work Ombudsman