Bất động sản là một trong những chủ đề nóng hổi của Úc. Nó thu hút chú ý chẳng khác gì một trận thể thao tầm cỡ quốc gia vì cả người trong cuộc lẫn khán giả đều bàn luận và quan sát các cuộc đấu giá động sản rất kĩ lưỡng
Thế nhưng ở Melbourne và Sydney, nhiều người mua nhà lần đầu tiên đang phải đối mặt với các lựa chọn khó khăn, từ việc tiền vay thế chấp mua nhà lớn với lãi suất ngày càng tăng; khả năng phải sống ở các vùng bên rìa thành phố đến việc phải chuyển về nhà bố mẹ sống.
Còn khó hơn nữa khi họ nhận ra họ phải cạnh tranh với các nhà đầu tư bất động sản, những người không chỉ có kinh nghiệm hơn mà còn được lợi thế từ các chính sách giảm thuế hay được cho phép “đầu tư lỗ” (negative gearing) – khi tiền nợ phải trả ngân hàng nhiều hơn tiền quí vị thu được từ việc cho thuê tài sản hàng năm, nhà đầu tư được bù lỗ từ tiền thuế.
Khi giá nhà đang bắt đầu chậm lại thì nhiều người đang dự đoán thị trường bất động sản sẽ sớm sụp đổ. Với thế hệ trẻ, đây là điều họ mang mong chờ và hi vọng.
Đây là một số các ý kiến khác nhau về thị trường bất động sản của Úc.
Jules McKendry: Người lần đầu tiên mua nhà
Trong suốt một năm qua, Jules McKendry và bạn đời tuần nào cũng dành thời gian đi tìm mua ngôi nhà đầu tiên cho họ.
Ở tuổi 25, McKendry đã tiết kiệm được $150 nghìn đô để đặt cọc mua nhà. Nhưng giờ cô cảm thấy như đang bị lừa.
Cô đã đấu giá và phải chịu thua rất nhiều lần trong các cuộc bán đấu giá nhà ở quanh Melbourne. Đối thủ của cô không phải là những người mua nhà khác mà là các nhà đầu tư bất động sản.
Theo ý kiến của Mckendry, thi trường bất động sản sẽ không sụp đổ trong tương lai gần.
“Nếu giá cứ tiếp tục như hiện nay, con của tôi sẽ không bao giờ có thể có một ngôi nhà của riêng mình,” cô nói.
“Với thế hệ của chúng, đó sẽ là chuyện bình thường vì không ai có nhà riêng cả.”
Millie, Ben và Daisy Robson: một gia đình trẻ
Millie và chồng Ben vừa cùng cô con gái nhỏ Daisy chuyển về nhà của cha mẹ Millie sống. Cả 3 thành viên sẽ cùng ở tại căn phòng mà Millie đã sống khi lớn lên.
Cha mẹ của Robson, Gerry và Libby, cũng hiện đang sống với 3 người con trai, và thật may là họ có thể sống với nhau ổn thỏa.
Millie và Ben cho biết họ không thể tiết kiệm đủ tiền đặt cọc để mua nhà trong khi vẫn phải trả tiền thuê. Thế nên họ quyết định sẽ ngồi yên, tiếp tục tiết kiệm và đợi cho tới khi chiều hướng thay đổi.
“Chúng tôi sẽ cố tiết kiệm tiền hết mức có thể và sẽ xem xét tình hình khi bong bóng nhà đất vỡ,” cô Robson chia sẻ.
Ken Morrison: chủ tịch điều hành của Hội đồng bất động sản Úc
Ken Morrison từ Hội đồng bất động sản đồng tình rằng giá nhà ở của Úc đang quá cao. Nhưng ông tin nguyên nhân cốt lõi của hiện tượng này là do lượng cung nhà quá thấp và không đáp ứng được dân số ngày càng tăng.
“Yếu tố chính khiến giá nhà tăng cao là do số lượng nhà đất không đủ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng … các thành phố đang lớn dần lên và dân số đang tăng,” ông nhận xét.
Hội đồng tin rằng thị trường bất động sản phát đạt thì kinh tế mới phát đạt theo. Hội đồng ủng hộ chính sách “đầu tư lỗ” (negative gearing)
Thế nên hội đồng vừa bắt đầu chiến dịch phản đối việc đảng lao động đề xuất rằng “đầu tư lỗ” chỉ nên được áp dụng với nhà mới xây.
Catherine Cashmore: Chủ tịch của Prosper Australia
Catherine Cashmore thì vừa thu thập các dữ liệu mà theo cô là bằng chứng cho thấy chúng ta đang có quá nhiều nhà trống ở trong và xung quanh trung tâm Melbourne.
Cô phân tích dữ liệu của các cơ quan quản lý nước dùng của Melbourne để xem xét lượng nước được dùng trong một ngày. Cô phát hiện là 80 nghìn nhà ở có lượng nước sử dụng ở mức thấp nhất có thể.
Đó là vì những ngôi nhà này không bao giờ được quảng cáo hay được cho thuê.
“Rõ ràng là nhiều người đang mua nhà nhưng không muốn cho thuê chúng,” cô Cashmore nhận xét.
Amy Reynolds: Chuyên viên chiến lược tại Apt Capital Management
Amy Reynolds là quản lý quỹ bảo hiểm rủi ro của một công ty đầu tư có trụ sở chính tại Singapore. Cô tin rằng dựa trên những số liệu về thị trường bất động sản toàn cầu thì giá bán nhà của Úc đang quá cao – 40% cao hơn so với toàn cầu.
“Chúng tôi cảm thấy rằng Úc chắc chắn đang có bong bóng động sản,” cô nói.
Nghiên cứu của họ cũng dự đoán rằng bong bóng động sản sẽ vỡ do các cơ quan ngân hàng dễ vào thị trường vay thế chấp nhà
Khoảng cách giữa giá nhà và thu nhập trung bình cũng là một dấu hiệu quan trọng.
Ở Sydney, giá mua nhà hiện đang gấp 12,2 lần tiền lương trung bình. Ở Melbourne thì hơn 10 lần.
Trước khi thị trường bất động sản của Mỹ sập đổ, giá mua nhà cũng chỉ hơn mức tiền lương trung bình có 5 lần.
John Daley: viện Grattan
John Daley từ viện Grattan thì vẽ lên một bức tranh khá tối tăm cho thế hệ trẻ của Úc. Theo ông, khoảng cách ngày càng tăng giữa giá nhà và thu nhập trung bình đang đẩy thế hệ X và Y khỏi thị trường động sản. Và chính sách “đầu tư lỗ” là một phần của vấn đề.
“Trong quá khứ, khoảng 60% người trong độ tuổi từ 25-34 đã có nhà riêng. Hiện giờ, con số này đã giảm quá nửa.”
Trong cuộc thảo luận về ngân quỹ, Chính phủ Úc đã tuyên bố sẽ không thay đổi chính sách về “đầu tư lỗ” (negative gearing).
Để biện hộ cho chính sách này, Bộ trưởng Ngân khố Scott Morrison giải thích rằng hầu hết những người được lợi từ chính sách là những người kiếm được ít hơn $80 nghìn đô sau khi trả thuế mỗi năm.
Thế nhưng báo cáo gần đây của viện Grattan lại cho thấy những người được lợi từ chính sách “đầu tư lỗ” thường nằm trong 10% những người có thu nhập nhập cao nhất Úc
Báo cáo cũng chỉ ra rằng cùng với thuế trên thặng dư vốn (Capital Gains Tax), những chính sách miễn giảm thuế đã mang lại nhiều lợi thế cho các nhà đầu tư động sản nhưng đồng thời đã làm giá nhà càng ngày càng cao và gây khó dễ cho những người lần đầu mua nhà.
Báo cáo cũng đề xuất giảm 50-25% mức hạ giá của lợi nhuận thu được, cũng như đặt giới hạn về mức tiền lỗ có thể được miễn giảm thuế.
Trong một bài blog, thủ tướng Úc phủ nhận phân tích của viện Grattan và nói rằng bản báo cáo chỉ “toàn những thông tin sai lệch”
Khi phản hồi, ông Daley thể hiện sự bất đồng với ý kiến của thủ tướng Turnbull và nói rằng những quốc gia không cho phép chính sách “đầu tư lỗ”vẫn có “thị trường thuê nhà hoạt động ổn”.
Nguồn: australiaplus.com.au