Nhân tài… bỏ chạy: Câu chuyện đau đầu của nước Úc

Nhân tài… bỏ chạy: Câu chuyện đau đầu của nước Úc

Gần đây, có nhiều bài viết trên các kênh truyền thông về chuyện những nhà vô địch đường lên đỉnh Olympia đi du học không trở về nước. Chuyện này rõ ràng tạo ra nhiều tranh luận ở trong nước và cộng đồng du học sinh hải ngoại. Bài viết này không nhắm vào tranh luận chủ đề này, chỉ mang lại cho quý độc giả một góc nhìn khác và có sự so sánh, đồng thời hiểu thêm về quan điểm của những người ngoại quốc ở khối Anglosphere – Anh, Úc, Mỹ, Canada.

Người viết bài hiện sinh sống ở Melbourne, và trải qua thời gian sáu năm sinh hoạt và học tập giữa cộng đồng đa văn hóa Úc châu. Trong nỗ lực hội nhập và học hỏi, nhiều quan điểm về đời sống và xã hội tại đây, một cách khách quan mà nói, có sự khác biệt rất lớn đối với những gì học sinh – sinh viên Việt Nam được giáo dục ở trong nước. Hơn nữa, xã hội Tây phương có chiều sâu về văn hóa, xã hội mà người ta phải mất rất nhiều thời gian va chạm, học hỏi, để có thể hiểu được.

Nước Úc có lịch sử là một quốc gia còn rất non trẻ. Vào quãng những năm đầu của thế kỷ 19 và 20, Anh quốc – lúc đó là mẫu quốc – đã gửi đến Úc một lượng lớn những tù nhân để khai phá và phát triển thuộc địa. Cho tới những năm 1970, giáo dục vẫn là một phần chi phí tương đối đắt đỏ, chứ chưa kể đến đại học vẫn chỉ là lựa chọn chủ yếu giành cho tầng lớp giàu có của xã hội. Thế rồi xuất hiện một vị Thủ tướng bên Công Đảng – hay còn gọi là Đảng Lao Động, đề xướng việc học phí được miễn giảm, hay thanh toán sau khi học sinh và sinh viên học xong.

Khoản chi phí phải trả cho các trường đại học sẽ được chính quyền liên bang hỗ trợ. Nhờ vào cải cách này, bất chấp việc tạo ra áp lực rất lớn cho ngân sách các năm sau đó, giáo dục đã được cải thiện đáng kể. Rất nhiều sinh viên được đi học đại học, thậm chí lên cao học, và chỉ phải hoàn trả lại cho chính quyền liên bang qua hệ thống thuế, vốn sẽ trích ra một phần nhỏ từ tiền lương.

Có lẽ nhờ vậy mà nhân tài ngày càng nhiều, tính tới thời điểm bây giờ, nước Úc có vỏn vẹn 24 triệu dân, nhưng đã đạt rất nhiều thành tựu lớn trong các lĩnh vực nghiên cứu khoa học – cụ thể là 14 khôi nguyên Nobel trong các lĩnh vực Vật lý, Y khoa, Sinh học. Úc cũng là nơi phát xuất của những khoa học gia, bác sĩ, kỹ sư hàng đầu hiện đang sinh sống và làm việc khắp các nơi trên thế giới.

Sinh viên vào đại học ở Úc, có các ngành học được chính phủ hỗ trợ rất lớn, như một sinh viên học Y khoa tại Đại học Melbourne – nếu không có chính phủ hỗ trợ – thì chi phí sẽ lên tới 70.000 đô la Úc một năm, trong khi giá nhà trung bình ở thành phố Melbourne là khoảng 700.000 cho một căn nhà 3 phòng ngủ gần trung tâm trong bán kính 20km. Lương trung bình của người Úc là 74.274 đô la theo ước lượng năm 2013 của chính phủ.

Nhưng khi nhập học, sinh viên sẽ được chính quyền tiểu bang hỗ trợ phần lớn, và số tiền phải đóng chỉ vào khoảng 10,000 đô la Úc một năm; hơn nữa, số tiền này không cần phải thanh toán trước. Sau khi hoàn tất khóa học, sinh viên sẽ chỉ phải trả lại khi nào có hợp đồng làm việc toàn thời gian (full time) và mức lương khoảng 54.000 đô la một năm. Số tiền phải trả sẽ được khấu trừ từ lương, và là một khoản trừ tương đương 4 đến 5 % thu nhập.

Nhưng không phải là cách tính này không có vấn đề. Nó là ở việc bồi hoàn lại chi phí học tập. Có thể đối với người Việt Nam, khi được hưởng một chế độ giáo dục ưu việt chất lượng cao, và ưu đãi về chi phí học tập cũng như sinh hoạt, thì nghiễm nhiên người được hưởng phải có ràng buộc trách nhiệm với quốc gia sở tại, chí ít là để bồi hoàn lại tiền học thông qua việc đi làm và đóng thuế, và trên nữa có thể là nghĩa vụ cống hiến cho quốc gia.

Ở Úc thì lại không có suy nghĩ đó, và thường trên các mặt báo lớn, lại không có những tranh luận về vấn đề này. Điều này xuất phát từ một phần văn hóa của những người di dân sang Úc những năm đầu tiên: làm việc chăm chỉ, công bằng, rộng rãi, nhưng cũng không nhờ cậy ai. Thành ra nhân tài đến nước Úc, và đi khỏi nước Úc không phải là vấn đề.

Vấn đề là ở chỗ, rất nhiều sinh viên sau khi học xong sang các quốc gia khác làm việc. Theo hệ thống thuế khóa của Úc, nếu sinh viên đi làm, nói đơn giản, ở nước ngoài, chẳng hạn ở Hoa Kỳ, thì chính quyền sẽ không thu được thuế. Và theo đó thì không thu lại được chi phí đào tạo. Hơn nữa, người đi làm ở Úc đóng thuế cao hơn người dân ở các quốc gia khác như Canada, hay Mỹ. Thành ra một lượng lớn sinh viên học xong thường ra nước ngoài làm việc với nhiều nguyên nhân như du lịch, trải nghiệm cuộc sống, và trong số đó là tránh phải trả một số tiền quá lớn qua hệ thống thuế. Từ đó tránh luôn được việc bồi hoàn lại chi phí đào tạo.

Cho tới năm 2013, Viện Grattan ước đoán số sợ tiền học là 26 tỷ đô la Úc, tăng lên từ 10 tỷ từ năm 2007; đặc biệt trong số đó, là 6 tỷ không có khả năng thu hồi. Tới năm 2014, Tổng Trưởng Giáo Dục của chính phủ Tony Abbott chỉ trích việc hơn 400,000 sinh viên sau khi tốt nghiệp bỏ sang Anh quốc làm, không trả lại tiền học thống kê lên tới 85 triệu đô la Úc. Rất nhiều trong số đó làm những công việc có thu nhập cao ở các ngân hàng đầu tư. Bất chấp nhiều dự luật được đưa ra, ai cũng hoài nghi về việc có thi hành được hay không. Hiện nay mọi chuyện vẫn còn chưa ngã ngũ, và vấn đề đang làm đau đầu cho chính quyền của tân Thủ tướng Malcolm Turnbull.

Chưa hết, việc rất nhiều trường đại học lớn ở Úc dần dần thay đổi các nội dung khóa học, theo mô hình giáo dục của Mỹ, ví dụ như các chương trình đào tạo Y khoa. Thứ nhất là để thu hút các sinh viên từ các quốc gia như Canada, Mỹ, nhằm tăng nguồn thu; thứ hai, là các sinh viên từ Úc cũng được trang bị để làm việc tại các quốc gia có nền khoa học phát triển hàng đầu như Mỹ. Chẳng hạn, như từ năm 2009, trường đại học hàng đầu nước Úc là Đại học Melbourne đã thay đổi chương trình đào tạo Y khoa ở bậc sau đại học, sinh viên muốn vào học Y khoa lại phải học qua một bằng đại học trước chuyên ngành Hóa sinh, sau đó phải qua các kỳ thi như MCAT (medical college admission test) hay GAMSAT (graduate medical school admission test), sau đó qua một quy trình phỏng vấn thí sinh như các trường ở Mỹ.

Các trường đại học lớn khác như Đại học Sydney, Tây Úc, Quốc Gia, đều ngay lập tức theo cách làm này. Thành ra sinh viên Y khoa ở Úc, khi kết thúc khóa học tại các trường này, hoàn toàn có thể sang làm việc tại các quốc gia khác nếu vượt qua các kỳ thi tay nghề như USMLE – tương tự như sinh viên ở Mỹ. Hệ quả dễ thấy, là nếu các sinh viên này ở lại Hoa Kỳ làm việc luôn, thì khoản vay có thể sẽ rất khó có được trả lại cho chính phủ Úc. Ở các khối ngành khác, kinh tế Úc đang trong tình trạng suy thoái cũng dẫn tới việc rất nhiều sinh viên bản xứ không thể tìm thấy việc làm, thành ra làn sóng di cư sang nơi khác làm việc cũng tạo ra nhiều khó khăn hơn trong việc thu hồi chi phí đào tạo.

Các nhà vô địch Olympia ở Việt Nam xem ra là những hạt giống rất tốt ở Việt Nam. Nhưng khi bước chân vào xã hội Úc, yêu cầu nỗ lực hội nhập và phát triển năng lực của bản thân là rất lớn, khó khăn về ngôn ngữ, văn hóa, và sự kỳ thị người gốc Á ở Úc vẫn còn phổ biến. Ngoài các khó khăn đó, so với sinh viên bản xứ được chính quyền hỗ trợ sinh hoạt phí, những sinh viên Olympia rất có thể phải đi làm thêm để trang trải cuộc sống. Việc có quá nhiều du học sinh ở nước Úc dẫn tới việc giới chủ o ép sinh viên, trả lương cực thấp để né thuế và bóc lột sức lao động thường diễn ra. Sự tổng hòa của các áp lực như vậy lên đời sống đòi hỏi một sức chịu đựng lớn, và khả năng học tập tốt để có thể vượt qua những năm tháng đại học. Rõ ràng, để phát huy được khả năng và sự nghiệp sau những năm tháng vất vả đó, họ buộc phải có những cân nhắc thật cẩn thận để không phí thời gian và công sức bỏ ra.

Như vậy, vấn đề giữ lại nguồn nhân lực chất lượng cao là một bài toán khó, không chỉ làm đau đầu các nhà lập pháp ở các quốc gia Tây phương; đòi hỏi chính quyền phải nỗ lực trong việc tạo ra môi trường đào tạo ưu tiên cho nhân tài phát triển, đồng thời cũng phải chú ý đến thị trường lao động để họ có thể phát huy hết sở trường của mình. Việc nhân tài phát huy được sở trường của mình đem lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế địa phương, qua việc làm giàu ngân sách quốc gia và cải thiện đời sống cho người dân.

Thiết nghĩ, việc này sẽ đem lại một góc nhìn khác cho độc giả ở Việt Nam, về một vấn đề tương tự ở xứ sở chuột túi.

Hồng An