Hàng xóm có được quyền chắn ánh sáng vào nhà bạn không?

Hàng xóm có được quyền chắn ánh sáng vào nhà bạn không?

Bạn có thể làm gì nếu hàng xóm xây nhà và che hết ánh nắng chiếu vào nhà bạn, đặc biệt là khi tấm pin năng lượng mặt trời không nhận được ánh sáng nữa?

Bà Jo Thomas, một bác sĩ sống tại vùng Christie Walk, Adelaide, một ngày đẹp trời đã phát hiện một tòa nhà cao 4 tầng sắp được xây dựng ngay sát nhà bà.

“Dự án xây dựng này sẽ ảnh hưởng đến rất nhiều người. Tòa nhà này sẽ chắn hết ánh sáng chiếu vào tấm pin năng lượng mặt trời ở nhà tôi, và ngoài ra thì nó cũng sẽ che hết ánh sáng tại khu vườn chung của cộng đồng,” bà Thomas cho biết.

Theo bà Thomas, 85% nước nóng gia đình bà sử dụng lấy từ năng lượng mặt trời. Và nếu tòa nhà này được xây lên, nó sẽ làm mất đi ít nhất 35% năng lượng sản sinh.

Bà Thomas đã đưa khiếu nại đến hội đồng địa phương và được trình bày lên Ban thẩm định dự án của hội đồng.

Hội đồng địa phương đã can thiệp và cho dừng dự án này lại. Nhưng sau đó công ty xây dựng này đã kháng án lên Tòa Tài nguyên Môi trường và Phát triển Nam Úc.

Điều này có nghĩa là bà Thomas phải có mặt tài tòa làm nhân chứng cho vụ kiện giữa hội đồng địa phương và công ty xây dựng.

May thay trong trường hợp này, tòa đã nghiêng về phía có lợi cho hội đồng.

Nhưng câu chuyện vẫn chưa dừng lại ở đây, vì sau đó công ty xây dựng này lại tiếp tục trình ra nhiều kế hoạch xây dựng khác tại khu đất này.

“Sẽ vẫn là một tòa nhà 4 tầng được xây dựng, tuy nhiên dự án sẽ bị lùi lại về hướng đông nam, nghĩa là sẽ không ảnh hưởng đến hệ thống năng lượng mặt trời của tôi nữa.

“Nhưng cộng đồng vẫn bị thiệt hại, tòa nhà này vẫn sẽ che khuất phần lớn ánh sáng của công viên.”

Người dân có quyền gì nếu bị chắn ánh sáng?

Tại Úc hiện có 1.6 triệu ngôi nhà sử dụng pin năng lượng mặt trời.

Luật sư Peter Clarke từ công ty luật Hones Lawyers đã cho đài ABC biết cho hay những vụ kiện như thế này đã xuất hiện rất nhiều tại Úc. Thậm chí, người ta còn kiện bởi vì cây cối không được cắt tỉa đã chắn hết ánh nắng.

Có những trường hợp, các dự án xây dựng làm che mất ánh sáng của pin năng lượng mặt trời đã phải dừng lại.

Nhưng ở hầu hết các trường hợp khác thì đây là vấn đề phức tạp.

Như trong một vụ kiện ở tiểu bang Victoria, giữa Hội đồng thành phố Melbourne và Chen, một dự án xây dựng được cho là chắn mất ánh sáng chiếu vào 14 tấm pin năng lượng mặt trời của một ngôi nhà.

“Một trong số những căn hộ của dự án này đã chắn một phần ánh sáng, với tổng thiệt hại ước tính là 50% – 70% năng lượng, một con số khá lớn,” luật sư Clarke cho hay.

“Con số thiệt hại này đủ để khiến pin năng lượng mặt trời chẳng còn tí giá trị nào.”

Trong trường hợp này, tranh chấp đã được đưa lên Tòa dân sự Victoria (VCAT).

“Sau khi cân nhắc nhiều yếu tố, kết luận của VCAT cho rằng dự án này là không phù hợp để thực hiện, và giấy phép xây dựng đã không được cấp cho dự án này.”

Luật sư Peter Clarkecho biết, theo các hướng dẫn về đầu tư xây dựng của chính phủ địa phương, đều nói rằng những khu vực sử dụng ngoài trời của tư nhân phải được nhận đủ lượng ánh sáng trực tiếp mỗi ngày, đặc biệt là ngày đông chí 21/6.

Nhưng những quy định xung quanh việc chắn ánh sáng của hệ thống năng lượng mặt trời thì không rõ ràng.

Mỗi hội đồng thành phố, thậm chí những khu vực khác nhau trong cùng một hội đồng lại có những quy định khác nhau, đặc biệt là những vùng có mật độ dân cư dày đặc thì rất ít quy tắc về điều này.

Giải pháp: cân nhắc vị trí lắp đặt pin năng lượng mặt trời

Theo luật sư Clarke, yếu tố thường được bàn cãi trong các vụ kiện như thế này, là liệu những tấm pin năng lượng mặt trời đã được lắp đặt đúng vị trí chưa.

Tại hội đồng thành phố Sydney, những gia chủ trước khi lắp đặt pin năng lượng mặt trời phải bảo đảm họ đã tính đến những dự án xây dựng trong tương lai.

“Nếu quý vị lắp pin năng lượng ở vị trí không tốt có khả năng ảnh hưởng đến hàng xóm, thì tòa án chắc chắn sẽ xem xét yếu tố đó.

“Nhưng trước đây, tòa đã từng ra quyết định yếu tố này chưa đủ thuyết phục và họ đã cho phép các dự án được tiến hành và nó đã che mất ánh sáng nếu pin năng lượng mặt trời đặt ở vị trí không tốt.”

Nguồn: SBS.com.au